NHIỀU DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO MYANMAR

NHIỀU DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO MYANMAR

Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam sang thị trường Myanmar đạt 345,9 triệu USD, tăng 51,8% so với năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 134,8 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong quý I/2015, Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar trên 85 triệu USD và nhập khẩu từ Myanmar trên 17,1 triệu USD. Theo kế hoạch năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước trên 500 triệu USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Myanmar đạt 1 tỉ USD. Riêng TP HCM, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Myanmar năm 2013 đạt 73,8 triệu USD, năm 2014 đạt 77,34 triệu USD.
Hàng xuất khẩu đa dạng

Tăng trưởng kim ngạch thương mại với thị trường Myanmar với tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Myanmar cũng như thứ hạng của Việt Nam so với các nước xuất khẩu vào Myanmar tăng khá nhanh và ổn định. Việt Nam được xem là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 9 trong các đối tác về thương mại của Myanmar hiện nay. Mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng hơn. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống sang Myanmar như sắt thép, sản phẩm từ kim loại, máy móc thiết bị và phụ tùng, nguyên liệu và sản phẩm nhựa, sản phẩm dệt may, phương tiện vận tải, gốm sứ, nay có thêm thực phẩm, xi măng, clinker, đồ nội thất.

myanmar20sp

Các nhóm hàng mà DN ở TP HCM xuất khẩu vào Myanmar tăng cao thời gian qua là rau quả, dây điện và dây cáp điện, vải, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may – da giày. Các nhóm hàng DN TP HCM xuất khẩu vào Myanmar đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt là thủy sản, giày dép, gốm sứ, mây, tre, cói, thảm.

Nhập khẩu từ Myanmar vào Việt Nam chủ yếu vẫn gồm gỗ tròn, đậu đỗ các loại và nguyên liệu thủy sản. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, Myanmar đã cấm xuất khẩu gỗ tròn nên tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều dự án lớn

Tính đến tháng 12-2014, đầu tư của Việt Nam vào Myanmar có 8 dự án được cấp phép, tổng giá trị 688,6 triệu USD. Trong đó có dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng nhà ở cao cấp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 8 trong các nước đối tác và chiếm 1,3% tổng vốn FDI của Myanmar. Ngoài các dự án đầu tư, hiện có 35 DN Việt Nam thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar. Myanmar cũng đã xem xét việc cấp phép cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam mở chi nhánh hoạt động tại nước này, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí, xem xét hỗ trợ hoạt động liên doanh của Tập đoàn Viettel với Công ty Yantanarporn Teleport.

Được biết, hàng Việt Nam chất lượng cao với giá tốt có thể cạnh tranh được với hàng cùng loại từ các nước châu Á khác vào thị trường Myanmar. Các DN may mặc cũng khẳng định nguồn vải sản xuất tại Việt Nam có nhiều chất liệu, nhiều mức giá, nguồn cung ổn định. Một số DN đã có nhà phân phối tại nước này và đang hướng đến việc các DN cùng là đối tác của một nhà phân phối cho nhiều mặt hàng để tạo lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, các DN còn than phiền thủ tục hải quan, kiểm dịch của Myanmar vẫn còn chậm và nhiều thủ tục. Vận chuyển tàu mất 2 tuần, đến Myanmar còn phải làm những thủ tục để nhập hàng về kho thêm 2-3 tuần. Điều này gây khó khăn cho DN nhập khẩu thực phẩm chế biến ăn liền có hạn sử dụng ngắn (khoảng 3-4 tháng). Chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam đi Myanmar cao nên khó cạnh tranh giá với hàng hóa từ Ấn Độ, Trung Quốc. DN tại Myanmar kinh doanh chưa theo thông lệ quốc tế; giao dịch thanh toán phải thông qua một ngân hàng nước ngoài khác.

Chi phí vé máy bay kể cả quốc tế và quốc nội của Myanmar cũng như chi phí khách sạn khá cao đang là rào cản phát triển ngành du lịch của 2 nước. Trong lĩnh vực du lịch, DN Việt Nam có thể đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn quy mô trung bình. Tuy nhiên, giá thuê đất, mặt bằng ở Myanmar đắt nên khó khả thi.
Theo người lao động Onlines



Download PFG file

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

!!!

error: Content is protected !!