Thăm đất nước Chùa Vàng

Tiếp tục chuyến thăm chính thức năm nước ASEAN, sáng 14-8-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta rời Singapore đi thăm LB Myanmar, đất nước Chùa Vàng nổi tiếng.

1. Thủ đô Naypyidaw là thủ đô hành chính của Liên bang Myanmar từ 1-2006.

· Có thể nói, Naypyidaw là thủ đô trẻ nhất trên thế giới tại thời điểm này. Từ Thành phố Yangon đến Naypyidaw chưa đầy 300 km. Sân bay Naypyidaw mới được đưa vào khai thác hơn một tháng nay, nhưng quy mô còn nhỏ, nên từ Yangon, Ðoàn chuyển sang loại máy bay nhỏ hơn để bay tới Naypyidaw.
· Công việc xây dựng thủ đô mới còn rất bộn bề. Từ trên máy bay nhìn xuống, cả thành phố là một đại công trường xây dựng. Chính vì được xây dựng từ đầu trên một vùng đất mới, nên thành phố được quy hoạch và xây dựng một cách tổng thể, các khách sạn cách nhau khoảng một km, trụ sở làm việc của các cơ quan cách xa nhau đến 15 phút đi bằng ô-tô.
· Ở Naypyidaw, người ta không có chủ trương xây dựng những tòa nhà cao, nhiều tầng. Ngoài những khu nhà chung cư được xây dựng bốn tầng, các khách sạn, trụ sở làm việc của các cơ quan phần lớn chỉ xây dựng từ một đến hai tầng. Naypyidaw cũng chỉ mới xây dựng các trục đường chính. Tuy là đường được làm bằng bê-tông , nhưng tất cả các tuyến đường đều được xây dựng đồng bộ hạ tầng và khá rộng rãi. Dân cư ở Naypyidaw còn khá thưa thớt, hầu như gia đình cán bộ các cơ quan hành chính đều còn ở Yangon, nên các hộ kinh doanh buôn bán, dịch vụ cũng chưa có nhiều. Dân bản địa thì còn đang canh tác nông nghiệp là chính, chưa kịp làm quen với cuộc sống đô thị, vả lại cuộc sống còn nhiều khó khăn, phần lớn đi lại bằng xe đạp hoặc đi bộ. Mặc dù ở giữa trung tâm thành phố, nhưng buổi tối nhiều khu vực dân cư vẫn phải thắp đèn dầu. Hai bên đại lộ vẫn còn những ruộng lúa, nương ngô xanh tốt.
· Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Myanmar dành cho Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta sự đón tiếp chu đáo, trọng thị. Quyền Thủ tướng Myanmar, Thượng tướng Thein Sein và Phu nhân đã ra tận đầu thảm đỏ chân thang máy bay đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta. Cuộc hội kiến Thống tướng Than Xuề, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và phát triển Nhà nước LB Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cuộc Hội đàm chính thức giữa hai Chính phủ đều kéo dài thời gian so với dự kiến. Tại hội đàm, nhiều vấn đề liên quan sự hợp tác song phương cũng như đa phương trong khu vực và thế giới đã được hai bên thảo luận cụ thể với tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, nhất là việc thỏa thuận tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo… Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Quyền Thủ tướng Thein Sein đã chứng kiến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Bộ Năng lượng Myanmar ký Bản thỏa thuận hợp tác chiến lược và coi đây là một bước phát triển mới, quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.
· Diện tích gấp hai lần, dân số bằng một phần hai dân số nước ta, đất đai phì nhiêu, tổng diện tích trồng trọt có đến 23 triệu ha, rừng và tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là đá quý, bờ biển dài, nhưng do tình hình chính trị không ổn định, lại bị phương Tây cấm vận từ năm 1990, cho nên nền kinh tế Myanmar vẫn còn khó khăn.
· Ðầu tư nước ngoài vào Myanmar còn rất hạn chế. Từ năm 1988 đến nay, đầu tư nước ngoài vào Myanmar chỉ có khoảng 7, 443 tỷ USD với 374 dự án, trong đó đầu tư từ các nước ASEAN chiếm đến 51,64%.
· Là một nước giàu tài nguyên, đất đai phì nhiêu, nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu, nền công nghiệp chỉ chiếm 9%. Từ năm 1988, Myanmar tiến hành cải cách nền kinh tế từ hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, ban hành Luật Ðầu tư nước ngoài, cho phép thành lập lại các doanh nghiệp tư nhân.
· Trong cải cách kinh tế, Myanmar đã thu được một số kết quả nhất định. Tăng trưởng GDP từ năm 1989 đến 1996 lần lượt được cải thiện. Trong kế hoạch năm năm (1996-2001), GDP của Myanmar phát triển trung bình 6%/năm. Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế mười năm từ 2001-2011 với mức tăng trưởng GDP trung bình là 7,2%/năm.
· Quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng được thúc đẩy bằng việc tiến hành họp Tiểu ban thương mại tháng 1-2007, cụ thể hóa những biện pháp thúc đẩy thương mại hai nước.
· Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 100 triệu USD trong năm nay (năm 2006 chỉ đạt 70 triệu USD). Trong sáu tháng qua, một số đoàn doanh nghiệp của ta đã sang khảo sát khả năng hợp tác kinh tế và buôn bán giữa hai nước, tiến hành nhập các mặt hàng của Myanmar như gỗ, các sản phẩm nông nghiệp như đậu và đỗ, xuất khẩu dược phẩm sang bạn, lập liên doanh chế biến gỗ cao-su già cho nhu cầu trong nước của ta.
· Một số công ty du lịch Việt Nam (SAGOTOUR, LE’S TRAVEL,…) tiếp tục sang khảo sát mở các tour du lịch tới Myanmar. Myanmar muốn thúc đẩy hợp tác thủy sản với nước ta và một số đoàn doanh nghiệp thủy sản của nước ta đã sang khảo sát khả năng hợp tác nuôi trồng thủy sản và khả năng đánh bắt cá xa bờ tại Myanmar.
· Cục Hàng không Việt Nam cũng đã sang đàm phán về việc mở đường bay trực tiếp giữa hai nuớc và dự kiến tháng 11-2007 sẽ mở đường bay trực tiếp Hà Nội – Yangon.
· Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Myanmar, sáng 15-8, tại TP Yangon, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình tạo điều kiện và ủng hộ hai Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước tiếp tục có những Diễn đàn doanh nghiệp tại Myanmar và tại Việt Nam để doanh nghiệp hai nước có thêm cơ hội tìm hiểu, hợp tác làm ăn để phát triển đất nước như đề xuất của ông Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar.
· Ngoài các quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và Myanmar còn tham gia quan hệ hợp tác trong ASEAN, một số tổ chức khu vực như Tiểu vùng Mê Công (GMS), Chiến lược phát triển kinh tế ba dòng sông (ACMEC), Hợp tác Việt Nam-Lào-Cam-pu-chia-Myanmar (CLMV), Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tích cực hơn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh thắng lợi tại Myanmar, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Myanmar đến làm ăn tại Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho cả hai nước, tương xứng với quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp truyền thống giữa hai dân tộc, hai đất nước.

2. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma, Kyaw Thu

· Chiều ngày 26/8/2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tiếp thân mật Thứ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma Kia Thu (Kyaw Thu) đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
· Trong buổi tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Mi-an-ma tiếp tục phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đã có những chuyển biến mới tích cực. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Mi-an-ma cả về song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thứ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma Kia Thu chân thành cảm ơn Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã giành thời gian tiếp Đoàn, nhấn mạnh Chính phủ Mi-an-ma đánh giá cao sự ủng hộ và giúp đỡ quí báu mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Mi-an-ma trước đây cũng như hiện nay; khẳng định Mi-an-ma luôn tin cậy và coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam.
· Trước đó, ngày 25/8/2008 trong khuôn khổ cuộc Tham khảo Chính trị thường niên lần thứ 4 giữa hai Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung và Thứ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma Kia Thu đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; trao đổi ý kiến về những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao và thoả thuận của Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hai bên hài lòng đánh giá hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã có những bước phát triển mới tích cực. Hai bên nhất trí tăng cường sự hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; đánh giá cao vai trò của ASEAN và khẳng định quyết tâm cùng các nước ASEAN phấn xây dựng thành công cộng đồng ASEAN vững mạnh.
· Trong thời gian thăm Việt Nam, Thứ trưởng Kia Thu cũng tiếp xúc làm việc với một số Bộ, Ngành, Tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam và thăm một số cơ sở kinh tế tại Hà Nội, Bắc Ninh./

3. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm Myanmar

· Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Quân đội Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Liên bang Myanmar từ ngày 10-13/8/2008 nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước.
· Đoàn đã được Thống tướng Than Shwe, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia Myanmar (SPDC) tiếp thân mật. Thống tướng Than Shwe bày tỏ cảm kích về sự giúp đỡ chân thành của Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước Myanmar, đặc biệt trong việc khắc phục hậu quả do cơn bão Nargis gây ra. Thống tướng tin tưởng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng được củng cố và phát triển.
· Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ tin tưởng nhân dân và quân đội Myanmar sẽ vượt qua mọi khó khăn để xây dựng một đất nước Myanmar tươi đẹp, giàu mạnh, quân đội Myanmar hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
· Trước đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và đoàn đã có buổi hội kiến với Đại tướng Thura Shwe Man, Ủy viên SPDC. Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi nước và thảo luận biện pháp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
· Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã đến thăm một số đơn vị quân đội và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Myanmar; thăm đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar./.(TTXVN – 18/8/2008

4. Việt Nam ủng hộ Myanmar đối thoại, hòa giải dân tộc

· Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ Chính phủ Myanmar trong việc đối thoại và hòa giải dân tộc, hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và ASEAN.
· Tiếp phái đoàn Hiệp hội Đoàn kết Phát triển Liên bang Myanmar, chiều 5/8/2008 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chia sẻ những thiệt hại, mất mát mà nhân dân Myanmar phải gánh chịu do sự tàn phá nặng nề của cơn bão Nargis vừa qua và tin tưởng Myanmar sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt để xây dựng, phát triển đất nước.
· Thiếu tướng Kyaw Hsan, Thư ký Hiệp hội Đoàn kết Phát triển Liên bang, Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar, cảm ơn Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã ủng hộ Myanmar xây dựng một quốc gia hòa bình, ổn định và phát triển.
· Ông cũng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ Chính phủ và nhân dân Myanmar khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão Nargis gây ra.
· Thiếu tướng Kyaw Hsan khẳng định Myanmar mong muốn học tập kinh nghiệm xây dựng đất nước của Việt Nam và tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục xây dựng, tăng cường quan hệ truyền thống tốt đẹp./.(TTXVN)

5. Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam – Mi-an-ma tổ chức kỳ họp thứ 6 về Hợp tác Song phương

· Nhận lời mời của Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Mi-an-ma (Myanmar) U Ki-a Thu (Kya Thu), Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Mi-an-ma và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ sáu của Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam – Mi-an-ma về Hợp tác song phương tại Nay Pyi Taw từ ngày 16 đến 18 tháng 6 năm 2008.
· Nhân dịp này, Thứ trưởng Đào Việt Trung đã đến chào Bí thư thứ nhất Hội đồng Hoà bình và Phát triển Quốc gia Mi-an-ma, Trung tướng Thi-ha Thu-ra Tin Ong Min U (Tin Aung Myint Oo) và Bộ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma U Ni-an Uyn (Nya Win).
· Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Mi-an-ma, Thứ trưởng Đào Việt Trung đã chân thành cảm ơn sự tiếp đón trọng thị và chu đáo mà Chính phủ và Nhân dân Mi-an-ma dành cho Đoàn. Thứ trưởng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Mi-an-ma về những thiệt hại to lớn về người và của mà cơn bão Nargis đã gây ra, chia sẻ những khó khăn mà Chính phủ và nhân dân Mi-an-ma đang phải đương đầu và chân thành chúc Mi-an-ma sớm khắc phục được hậu quả của cơn bão, ổn định cuộc sống người dân và phát triển đất nước.
· Tại cuộc họp của Uỷ ban Hỗn hợp lần thứ 6, trong không khí thân mật và hợp tác, hai bên đã xem xét một cách toàn diện tình hình hợp tác giữa hai nước kể từ kỳ họp lần thứ 5 của Uỷ ban Hỗn hợp hai nước năm 2004. Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác về nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua. Hai bên cũng hài lòng về việc tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp của hai nước, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
· Ngoài ra, hai bên đã tập trung thảo luận những phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương, ngày càng phát triển hiệu quả, tương xứng với tiềm năng của hai nước: Thống nhất sẽ cùng phối hợp mở rộng hơn nữa sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể mà hai bên cùng quan tâm; Nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại; Cùng nhau thúc đẩy triển khai các dự án trong lĩnh vực dầu khí và viễn thông; Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng như nông nghiệp, thuỷ sản, y tế, văn hoá, du lịch, công nghiệp ô tô; Trao đổi rộng rãi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
· Kết thúc kỳ họp Uỷ ban Hỗn hợp, Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung và Thứ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma Ki-a Thu đã ký Biên bản Thoả thuận lần thứ 6 Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam – Mi-an-ma về Hợp tác song phương. Hai bên cho rằng kết quả tốt đẹp của chuyến thăm lần này sẽ tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp sẵn có về các mặt giữa Việt Nam và Mi-an-ma. Hai bên nhất trí sẽ tổ chức Kỳ họp Uỷ ban Hỗn hợp lần thứ 7 tại Hà Nội, Việt Nam vào thời điểm thuận tiện.
· Nhân dịp này, Thứ trưởng Đào Việt Trung cũng đã dự lễ trao tặng số y cụ và thuốc men của đoàn cán bộ y tế Việt Nam và lễ trao tượng trưng số tiền 30.000 USD của Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam giúp các nạn nhân cơn bão Nargis của Mi-an-ma./.
(Nguồn báo vinanet.vn Sunday, August 31, 2008)


Download PFG file

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

!!!

error: Content is protected !!