Quy định về tổ chức bộ máy xuất khẩu lao động kèm QĐ19

Về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. (Ban hành kèm theo Quyết định số 19 /2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ XÃ HỘI Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
QUY ĐỊNH
Về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19 /2007/QĐ-BLĐTBXH
ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp dịch vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp dịch vụ.
Chương II
TỔ CHỨC BỘ MÁY HOẠT ĐỘNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG
ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 3. Tổ chức của bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bao gồm:
1.Trung tâm xuất khẩu lao động hoặc các Phòng nghiệp vụ xuất khẩu lao động;
2. Trường hoặc Trung tâm đào tạo;
3. Bộ phận theo dõi, quản lý lao động ngoài nước;
4. Các chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (nếu có).
Điều 4. Nhiệm vụ của bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Giấy phép hoạt động dịch vụ; các nội dung hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Điều 4 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 5. Nhiệm vụ của các đơn vị thuộc bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
1. Trung tâm xuất khẩu lao động hoặc các Phòng nghiệp vụ xuất khẩu lao động trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Chuẩn bị nội dung hợp đồng hoặc trực tiếp ký kết hợp đồng (nếu được ủy quyền) liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Tuyển chọn lao động;
c) Tổ chức thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
d) Chuẩn bị nội dung thanh lý hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng (nếu được ủy quyền) với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Trường hoặc Trung tâm đào tạo trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
b) Bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ (nếu cần thiết) cho người lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
3. Bộ phận theo dõi, quản lý lao động ngoài nước trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài để quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
4. Các chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện những nội dung do doanh nghiệp giao theo quy định tại khoản 1, Điều 16 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 6. Cán bộ của bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
1. Bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ phải có ít nhất 9 (chín) cán bộ chuyên trách có đủ những điều kiện sau đây:
a) Có trình độ từ cao đẳng trở lên;
b) Có lý lịch rõ ràng;
c) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
2. Ngoài những điều kiện quy định ở khoản 1 Điều này, cán bộ chuyên trách từng loại hình nghiệp vụ phải có các điều kiện cụ thể sau đây:
2.1. Cán bộ chuyên trách về thị trường:
a) Có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật;
b) Có trình độ ngoại ngữ phù hợp với từng thị trường mà doanh nghiệp dự kiến đưa người lao động đến làm việc;
c) Có hiểu biết những quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
2.2. Cán bộ chuyên trách về quản lý lao động:
a) Có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành luật, quản trị nhân lực;
b) Có trình độ ngoại ngữ phù hợp với từng thị trường mà doanh nghiệp dự kiến đưa người lao động đến làm việc;
c) Am hiểu những quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
2.3. Cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết:
a) Có kinh nghiệm và hiểu biết về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Có hiểu biết những quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
2.4. Cán bộ nghiệp vụ tài chính:
a) Có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán;
b) Am hiểu các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
3. Cán bộ giữ vị trí lãnh đạo điều hành bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ ngoài điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có trình độ từ đại học trở lên;
b) Có lý lịch rõ ràng;
c) Có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
d) Không phải là người đang bị xử lý hình thức kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hoặc là người đã giữ vị trí lãnh đạo điều hành bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại những doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chương III
TỔ CHỨC BỘ MÁY CHUYÊN TRÁCH
ĐỂ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRƯỚC KHI ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 7. Tổ chức của bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài
Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tổ chức thành trường hoặc trung tâm đào tạo, phải có ít nhất những bộ phận sau đây:
a) Bộ phận đào tạo;
b) Bộ phận quản lý học viên.
Điều 8. Nhiệm vụ
Bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Trực tiếp tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động;
b) Quản lý chương trình đào tạo, thời gian lên lớp của giáo viên, học viên;
c) Thực hiện các hợp đồng liên kết về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
d) Biên soạn tài liệu;
đ) Quản lý học viên;
e) Tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ sau mỗi khóa học.
Điều 9. Cán bộ của bộ máy
Bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết có ít nhất ba (03) cán bộ quản lý và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm 2.3 khoản 2 Điều 6 của Quy định này.
Điều 10. Bộ phận chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết tại các chi nhánh
Đối với chi nhánh được doanh nghiệp giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phải có bộ phận chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động như tại doanh nghiệp và thực hiện các quy định tại các điều 6, 7 và 8 của Quy định này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện quy định này và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Giám đốc các doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm thực hiện quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để kịp thời hướng dẫn giải quyết./.
BỘ TRƯỞNG
Đã ký
Nguyễn Thị Hằng


Download PFG file

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

!!!

error: Content is protected !!